5 giờ sáng, tại Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Thái Nguyên (TUAF), Ebuka Emmanuel - người Nigieria, SV năm thứ 3 khoa Khoa học và Quản lý môi trường, Chương trình tiên tiến đã sẵn sàng cùng những bạn người Philippines tham gia đoàn tư vấn tuyển sinh đến các trường THPT ở tỉnh Bắc Kạn. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của Ebuka sau 3 năm học tại Việt Nam.
Các học sinh hào hứng chụp ảnh cùng SV Philippines
Xây dựng hình ảnh nhận diện trường ĐH
Điểm đến đầu tiên là Trường THPT Phủ Thông (Bắc Kạn). Trời mưa cả buổi; những tưởng chuyến công tác này, đoàn sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ. Vậy nhưng với sự năng động của Ebuka và các SV quốc tế, sự ủng hộ nhiệt tình của HS, GV Trường THPT Phủ Thông, thêm cả kịch bản chương trình vừa chơi, vừa tiếp nhận thông tin, đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ.
HS miền núi đầu tiên tò mò đứng xa nhìn anh SV da đen cao to lừng lững, sau thì nói chuyện bằng tiếng Anh, thiếu vốn từ thì dùng ngôn ngữ cơ thể, rồi thân thiết chia sẻ địa chỉ facebook… Hình ảnh đọng lại của chuyến đi là điệu nhảy tập thể của SV quốc tế và HS Việt Nam dưới trời mưa. Tiếng cười vui hôm đó cứ nhân lên theo từng địa chỉ dừng chân của đoàn tư vấn tuyển sinh TUAF.
Theo chị Lý Thị Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ khởi nghiệp, đến từng trường THPT mới thấy, khi nói đến TUAF, nhiều phụ huynh, HS vẫn nghĩ học nông nghiệp là học cái gì đó truyền thông, chân lấm tay bùn, là con trâu đi trước, cái cày theo sau mà không hề biết rằng trong những năm qua, từ lãnh đạo đến các thầy cô giáo TUAF đều hướng tới xây dựng hình ảnh Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên năng động hơn, hội nhập quốc tế, có nhiều cơ hội cho HS - SV.
Để thông tin về nhà trường được cập nhật tới người học, TUAF đã xây dựng chiến lược tuyển sinh 2019 “độc, lạ” khi đưa “SV Tây” cùng tham gia “chiêu sinh”, xây dựng “hình ảnh nhận diện”! Sáng kiến này vừa quảng bá hình ảnh của nhà trường, vừa tạo cơ hội để các SV quốc tế giao lưu cùng các HS trường THPT, trong đó có nhiều trường ở khu vực miền núi phía Bắc.
HS nghiên cứu các chuyên ngành học tập tại Trường Nông Lâm Thái Nguyên
Vừa chơi, vừa tiếp nhận thông tin tuyển sinh
Để lên một chương trình như vậy, Ban tổ chức phải bỏ công sức đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với hình thức truyền thống. Nếu bình thường các chuyên gia đến trường THPT, nhận câu hỏi rồi trả lời thì nay, các cán bộ, giảng viên TUAF xây dựng một kịch bản chi tiết, suy nghĩ thiết kế các trò chơi tập thể, đố vui có thưởng, xây dựng chương trình văn nghệ vừa mang tính kết nối, thu hút HS, vừa tạo cơ hội để giới thiệu về các ngành học, về chương trình tiên tiến, cơ hội du học, thực tập hưởng lương…
Để đưa đoàn SV quốc tế tham gia cùng, cần phải có quyết định của trường, các thủ tục về chính quyền, tổ chức đoàn, sắp xếp lịch đi làm sao không ảnh hưởng đến thời gian học tập của SV. Đặc biệt chú ý vấn đề an toàn, sức khỏe, quản lý an ninh… cho các SV quốc tế “lạ nước lạ cái”.
May mắn là thời gian này, các SV Việt Nam đang học khóa quân sự nên SV quốc tế TUAF được nghỉ học. Đoàn tư vấn rất vui khi thấy SV quốc tế chủ động hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn có những sáng kiến để chương trình hay hơn, hấp dẫn hơn. Và “kết quả thu về thật xứng đáng” - chị Thùy Dương phấn khởi chia sẻ.
Sau những chuyến đi đến các trường THPT, chiến lược tư vấn tuyến sinh có yếu tố ngoại của TUAF đã phát huy hiệu quả. Hình ảnh hội nhập, quốc tế của nhà trường gây ấn tượng mạnh với HS ngay từ… cái nhìn đầu tiên. Qua những chương trình như vậy, SV quốc tế thích thú, tham gia nhiệt tình, HS các trường bày tỏ mối quan tâm và phản hồi chưa có chương trình tư vấn tuyển sinh rất thú vị.
Đa số các trường TUAF đến giới thiệu chương trình học nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, HS vốn không có nhiều cơ hội giao lưu, trò chuyện trực tiếp với người nước ngoài, nay các em có cơ hội được trò chuyện trực tiếp, thử tài Anh ngữ, giao lưu văn nghệ… với SV quốc tế. Còn Ebuka cùng các SV quốc tế TUAF cũng rất hứng thú với trải nghiệm này, bổ sung nhiều kiến thức để làm bài tập về văn hóa Việt Nam.
SV Nigieria Ebuka Emmanuel cùng HS tham gia trò chơi đố vui có thưởng
Hiệu quả bất ngờ
Trong các ngôi trường đến tư vấn tuyển sinh, đoàn ấn tượng về HS Trường THPT thành phố Cao Bằng. Khác với những gì mọi người thường nghĩ về HS dân tộc thiểu số, khi đoàn tuyển sinh đưa ra các trò chơi tập thể, giao lưu bằng tiếng Anh, rất nhiều HS đăng ký tham gia. Có một nữ sinh của trường xung phong lên tự tin giao lưu “tay bo” với các SV quốc tế. Sau buổi tư vấn đó, nữ sinh đã đến gặp đoàn chuyên gia và chia sẻ: “Em không bao giờ nghĩ rằng sau này mình sẽ học Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên. Nhưng khi được tư vấn tuyển sinh, trường khác hoàn toàn với những gì em vẫn nghĩ. Em sẽ tìm hiểu và đưa TUAF vào danh sách chọn lựa trường ĐH của mình”.
Hiện, sau mỗi chương trình tư vấn tuyển sinh, nhiều HS đã liên lạc với Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên qua nhiều kênh: Điện thoại, email, phản hồi trên trang fanpage của trường… Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên mong muốn thời gian tới sẽ thành lập được nhiều nhóm tuyển sinh có yếu tố ngoại để độ phủ tuyển sinh rộng hơn, lan tỏa về nhà trường nhiều hơn. “Hi vọng năm nay sẽ tuyển được nhiều HS thực sự mong muốn học ở trường, có đầy đủ các thông tin trước khi lựa chọn, từ đó nhà trường tìm được những SV phù hợp nhất” - chị Lý Thị Thùy Dương bày tỏ.
(Nguồn: Báo Giáo dục thời đại)