Tin tức - Sự kiện

Hội nghị thi tốt nghiệp THPT 2022: Vì một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng

Sáng 8/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Minh Sơn; đại diện một số Bộ, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chuẩn bị tốt nhất kiến thức, tâm lý, tình cảm cho thí sinh

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, với cố gắng chung của ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, cùng nỗ lực vượt bậc của 63 tỉnh thành và tham gia trực tiếp của các thầy cô giáo, năm học vừa qua đã kết thúc đúng kế hoạch cho khối lớp 12. Đây là tiền đề quan trọng để có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng loạt trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong tổ chức kỳ thi, những năm qua, lãnh đạo các tỉnh thành đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm rất cao, kịp thời chỉ đạo các sở ngành phối hợp triển khai. Năm nay, ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại giai đoạn nước rút này, Bộ trưởng yêu cầu Bộ GDĐT và các địa phương tập trung cao độ chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trong hội nghị, Bộ GDĐT, các Bộ ban ngành, địa phương sẽ cùng thống nhất những nội dung quan trọng liên quan đến kỳ thi và lường trước mọi khả năng, đưa ra phương án dự phòng, mọi tình huống thiên tai dịch bệnh...

Theo Bộ trưởng, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng ảnh hưởng còn hiện hữu, cần phương án tổ chức thi cho các đối tượng liên quan dịch bệnh và dự phòng các bất thường. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo cấp tỉnh hỗ trợ tối đa Sở GDĐT chuẩn bị tốt nhất khâu chuyên môn cho thí sinh, bao gồm cả kiến thức và tâm lý, hỗ trợ học sinh vùng sâu vùng xa về đi lại, lưu trú để tham gia kỳ thi tốt nhất. Đặc biệt các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, giữ an toàn tuyệt đối cho đề thi, công tác chấm thi,… và các khâu liên quan, đảm bảo an toàn, bảo mật, trật tự.

Năm nay kỳ thi cơ bản như năm trước, với một số đổi mới về phương diện kỹ thuật để kỳ thi thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tuy phương thức cũ, nhưng mỗi kỳ thi lại có sự tham gia của những học sinh mới nên đội ngũ làm thi luôn phải xem lại các quy định và các điều kiện liên quan để tổ chức kỳ thi được tốt nhất.

Ngoài việc chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm đến các lớp học khác, thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt tuỳ tình hình thực tiễn, có thể chậm hơn một chút, để những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh có thời gian củng cố kiến thức, tâm lý, tình cảm, làm sao để các em học sinh đỡ thiệt thòi.

Trong mùa hè - thời gian để địa phương chuẩn bị năm học mới vào tháng 9, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố lưu tâm chỉ đạo, hỗ trợ Sở GDĐT chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, về giáo viên, học liệu, tài liệu giáo dục địa phương, sẵn sàng cho các lớp 3, 7, 10 với nhiều nội dung mới.

Nội dung thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý chất lượng và các vụ, cục liên quan thuộc Bộ GDĐT đã chủ động, phối hợp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Quang cảnh Hội nghị

Bộ GDĐT đã thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Công tác ra đề thi thực hiện theo quy trình bảo đảm khách quan, bảo mật, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia.

Đến 17h ngày 05/6/2022, các đơn vị đã hoàn thành xong việc duyệt phiếu đăng ký dự thi với tổng số phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống là 1.002.486 phiếu.

Bộ GDĐT cũng đã ban hành công văn số 2232/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia đến kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại địa phương. Tiếp tục theo dõi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại các địa phương và chỉ đạo tổ chức thi theo đúng tiến độ, kế hoạch; bảo đảm kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Các Sở GDĐT triển khai công tác coi thi ngày 7-8/7/2022 đảm bảo an toàn, nghiêm túc tại tất cả các điểm thi. Việc chấm thi tốt nghiệp THPT vẫn được giao cho các địa phương thực hiện, với sự giám sát của thanh tra các tỉnh, thành và thanh tra do Bộ GDĐT huy động. Theo kế hoạch, ngày 24/7 sẽ công bố kết quả thi sau khi kết quả thi của các tỉnh, thành được nhập lên hệ thống quản lý thi của Bộ GDĐT và tiến hành chạy đối sánh để đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối.

Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đặc biệt đã ban hành kế hoạch và phân công nhiệm vụ chi tiết thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2022 theo Quyết định số 1392/QĐ-BGDĐT ngày 26/5/2022. Đáng chú ý, trong kiểm tra công tác coi thi và chấm thi năm 2022, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GDĐT.

Về công tác tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thuỷ đánh giá cao sự phối hợp của các Sở, các trường THPT trong công tác dữ liệu và hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến, đồng thời mong muốn các Sở, trường THPT tiếp tục phối hợp hiệu quả với các trường đại học để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Nỗ lực phòng ngừa, tăng kỷ cương, giảm vi phạm

Hội nghị ghi nhận ý kiến của 13 địa phương, 5 đại diện bộ ngành, vụ cục, tất cả đều hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao đổi tại Hội nghị

Đại diện Sở GDĐT Hà Nội báo cáo, năm nay, toàn thành phố Hà Ni có 97.999 thí sinh dự thi, được xem là số lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận huyện; đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh, an toàn tại các điểm thi..

Là một trong những địa phương có công tác chuẩn bị kỹ càng, Sở GDĐT Hải Phòng thông tin, năm nay, Hải Phòng có 22.573 thí sinh, 49 điểm thi chính thức, điều động 3.000 cán bộ làm công tác coi thi. Để kỳ thi nghiêm túc, an toàn, Sở GDĐT đã chỉ đạo phá song trong thời gian làm bài tại khu vực thi.

Đại diện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù đầu năm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng ngành đã nỗ lực hoàn tất chương trình theo đúng kế hoạch năm học. Ban Chỉ đạo thi cấp thành phố đã được thành lập, họp và thực hiện các nhiệm vụ; đặc biệt quan tâm chuẩn bị cơ sở vật chất trong mùa mưa bão cùng an toàn giao thông, giao lãnh đạo quận huyện giám sát. Công tác hướng dẫn hơn 86.000 thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến được triển khai thuận tiện. Đánh giá cao tính nhân văn của quyết định cho phép học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có thể dự thi, đại diện ngành Giáo dục TP HCM thông tin thêm, trong mấy tuần qua, học sinh địa phương này thường xuyên được kiểm tra sức khoẻ, không có em nào trong thời gian gần đây bị nhiễm Covid-19.

Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, đa số các tỉnh, thành khác đều đã chủ động, linh hoạt trong công tác dạy học, ôn tập, thành lập Ban chỉ đạo thi, đẩy mạnh công tác truyền thông, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án dự phòng, tập huấn cán bộ, phổ biến quy chế chi chi thí sinh, rà soát các điều kiện, yêu cầu…

Một số địa phương có ý kiến trao đổi về khó khăn khi chuẩn bị khu vực để vật dụng cho thí sinh cách phòng thi 25m do một số điểm thi không đủ diện tích; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên xem xét bỏ quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi vì gây khó kiểm soát khi quản lý các thiết bị.

Phụ trách công tác thanh tra kiểm tra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định an toàn an ninh kỳ thi là yêu cầu cao nhất. Thứ trưởng nhấn mạnh 5 yếu tố cơ bản quyết định kỳ thi thành công: công tác phối hợp nhịp nhàng; công tác chỉ đạo, phân công phân nhiệm rõ ràng; công tác chuẩn bị kỹ lưỡng; công tác chế độ thông tin báo cáo và xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền; công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng tính chất kỳ thi. Về thiết bị ghi âm, ghi hình, Thứ trưởng trao đổi, nên chăng Ban Chỉ đạo có văn bản khuyến cáo, khuyến khích thí sinh hạn chế, giảm thiểu mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nếu không cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ càng, chủ động của các địa phương, Thứ trưởng lưu ý 8 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, nhận thức kỳ thi này là tốt nghiệp THPT với mục tiêu là đánh giá kết quả học tập của học sinh, lấy kết quả đó làm căn cứ xét tốt nghiệp, căn cứ điều chỉnh kế hoạch dạy học, căn cứ để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực tổ chức kỳ thi chặt chẽ, đảm bảo minh bạch, công bằng, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ lãnh đạo các địa phương.

Thứ hai, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản từ quy chế đến hướng dẫn kỹ càng, cùng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh, thành phố cũng phải có chỉ thị về công tác thi nhằm huy động tất cả các lực lượng, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, an toàn.

Thứ ba, vấn đề nhân sự, chọn nhân sự tham gia công tác thi, cần thực hiện chặt chẽ, nhất là một số vị trí quan trọng, đề nghị ngành Công an phối hợp với Sở để lựa chọn đúng người, giao đúng việc.

Thứ tư, làm tốt công tác tập huấn các cấp, quán triệt thông tin quy chế thi, trách nhiệm, vai trò từng vị trí tới từng thầy cô tham gia làm thi. Đề nghị BCĐ thi, BCĐ cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo đảm bảo chất lượng các lớp tập huấn.

Thứ năm, kiểm tra, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định, nhất là với phòng in sao đề, chấm thi,… và hệ thống phá sóng đảm bảo an ninh, an toàn. Những địa điểm gần nhà dân cần thận trọng trong quá trình triển khai.

Thứ sáu, có những biện pháp, phương án phòng chống dịch tốt nhất, đặc biệt trong 3 ngày thi.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cố gắng tăng kỷ cương kỷ luật, giảm vi phạm, ngăn chặn, phòng ngừa là chính. Thứ trưởng cho biết, số lượng thí sinh vi phạm giảm dần qua các năm, năm 2020 có 38 em, năm 2021 có 18 em và mong muốn đội ngũ làm thi cố gắng năm nay không có thí sinh nào vi phạm. Năm ngoái, vi phạm đều là những em mang điện thoại di động vào phòng thi, nên Thứ trưởng đề nghị, các giám thị nhắc đi nhắc lại các em kiểm tra kỹ, không để phạm lỗi này dù cố tình hay vô tình.

Cuối cùng, yêu cầu quan trọng là chế độ báo cáo cần được thực hiện đúng khi có vấn đề bất thường, báo cáo bằng văn bản sớm về Bộ để nắm bắt và có hướng xử lý kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo